top of page

 TỰ ĐIỀU CHỈNH

© Positive Discipline in Everyday Life 2020

cartoon-man-meditate-calm-your-mind-keep

Trong những ngày này, quả thật không khó để mường tượng ra cảm giác căng thẳng trong nhịp sống thường nhật. Chúng ta có thể cảm nhận được trong cơ thể của chính mình, các cơ căng lên và nhịp tim đập nhanh hơn. Đôi khi, căng thẳng biểu hiện ở giọng nói to và bực dọc hơn của bản thân. Và chúng ta có thể thấy được trạng thái căng thẳng cả trong cách phản ứng với con cái của mình.

 

Khi căng thẳng, chúng ta cảm thấy rất có nhu cầu muốn lấy lại sự kiểm soát, nhưng mọi thứ lại dường như vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng ta trong đại dịch COVID-19 này. Vì vậy, những bực dọc và nhu cầu muốn kiểm soát của chúng ta có thể hướng vào con cái, và điều này có thể dẫn đến tình trạng quát mắng, trừng phạt. Những phản ứng đó sẽ không giúp chúng ta đạt được các mục tiêu dài hạn. Chúng còn có thể phá hỏng các mối quan hệ của chúng ta, tạo ra sự sợ hãi ở trẻ và làm mẫu cho trẻ về hành vi gây hấn.

 

Một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm trong giai đoạn này là học cách quản lý căng thẳng và sự bực dọc của bản thân. Việc này được gọi là “tự điều chỉnh”. Khái niệm này liên quan đến việc nhận thức được mức độ căng thẳng cũng như cảm xúc đang diễn ra bên trong chúng ta- và học cách làm dịu tâm trí, cơ thể của chính mình trước khi hành động. Tự điều chỉnh là kỹ năng cần được thực hành và tất cả mọi người đều có thể làm được.

 

Có rất nhiều cách chúng ta có thể làm để tự điều chỉnh. Những bài tập này chỉ tốn vài phút, không hề tốn kém kinh phí, và cũng không đòi hỏi phải có không gian để thực hiện. Nếu bạn thực hành chúng mỗi ngày, những bài tập đó sẽ bắt đầu trở thành thói quen. Bạn cũng có thể giúp con mình học cách thực hành – điều này gọi là “cùng điều chỉnh”.


 

Hai cách tốt nhất để tự điều chỉnh chính là tập hít thở sâu và chuyển động. Bạn có thể tìm thấy các video gợi ý giúp bản thân luyện tập tại trang web của tổ chức Positive Discipline in Everyday Life (PDEL).

bottom of page