top of page

​HIỂU TRẺ NGHĨ VÀ CẢM THẤY THẾ NÀO

© Positive Discipline in Everyday Life 2020

boy-girl-talking-cartoon-vector-20949266

Thế giới là một nơi thật phức tạp và càng trở nên rắc rối hơn khi có đại dịch COVID-19. Thật khó để chúng ta hiểu rõ những gì đang diễn ra, để điều tiết cảm xúc của chúng ta, và dự đoán những điều sẽ xảy đến tiếp theo. Điều này thậm chí còn khó hơn đối với trẻ em vì các em chưa có kiến thức hoặc kinh nghiệm như chúng ta. Đối với trẻ, tình huống này có thể còn đáng sợ hơn và thậm chí là khó mà tưởng tượng được.

 

Trong các tương tác hàng ngày với con cái, chúng ta thường bị cuốn vào phản ứng với hành vi của trẻ. Chúng ta có thể nghĩ rằng trẻ đang “hư”, “ương bướng”, hay “lười biếng”. Hành vi chỉ đơn giản là sự thể hiện suy nghĩ và cảm xúc. Trẻ đang cố nói với chúng ta điều gì đó, nhưng không phải lúc nào trẻ cũng có thể diễn đạt một cách rõ ràng. Nếu chúng ta bắt đầu nhìn mọi thứ qua góc nhìn của trẻ, chúng ta sẽ bắt đầu hiểu lý do thực sự cho hành vi của trẻ. Từ đó, chúng ta có thể hỗ trợ, hướng dẫn và dạy trẻ với sự ấm áp và cấu trúc.

Trẻ nhỏ nghĩ và cảm nhận thế nào


Trẻ nhỏ mới đến với thế giới của chúng ta một vài năm. Trong những năm đầu tiên, trẻ học được những kỹ năng tuyệt vời và lượng kiến thức đáng kinh ngạc. Trẻ học cách nói chuyện, đi lại, chạy, nhảy, chơi - và thể hiện tình yêu, nỗi buồn và cả sự tức giận.

 

Dù vậy, kỹ năng và kiến thức của trẻ vẫn còn rất hạn chế. Trẻ chưa biết cách diễn đạt để giải thích mọi thứ mà trẻ cảm thấy. Trẻ không hiểu nguy hiểm, bệnh tật, hay đại dịch là gì. Trẻ không hiểu về khái niệm thời gian, vì vậy trẻ có thể nghĩ rằng những gì xảy ra ngay bây giờ sẽ diễn ra mãi mãi. Sẽ rất khó để trẻ hiểu tại sao trẻ không thể chơi với bạn bè, tại sao trẻ không thể gặp ông bà, hoặc tại sao cha mẹ rất lo lắng, mệt mỏi và mất tập trung. Tình huống này có thể dẫn đến sự thất vọng và sợ hãi.

Sự thất vọng

Trẻ nhỏ có nhiều năng lượng. Trẻ cần chạy nhảy và vui chơi. Trên thực tế, vui chơi là cách quan trọng nhất để trẻ học hỏi. Trẻ cần giải tỏa năng lượng, và cần chơi với những đứa trẻ khác. Khi trẻ không thể chơi ngoài trời hoặc với bạn bè, trẻ có thể trở nên thất vọng.


Bởi vì trẻ nhỏ chưa biết cách diễn đạt cảm xúc của mình, trẻ sẽ thể hiện những cảm nhận của mình thông qua hành động. Sự thất vọng có thể xuất hiện dưới dạng giận dữ, la hét “KHÔNG!”, hoặc giậm chân. Đây không phải là “hành vi xấu”. Đó là cách duy nhất mà trẻ nhỏ thể hiện sự thất vọng của bản thân.

 

Việc trừng phạt chỉ làm cho mọi thứ tồi tệ hơn. Trẻ nhỏ không hiểu tại sao trước đây mình được chơi ngoài trời, nhưng bây giờ điều đó không được phép. Hoặc tại sao trẻ đột nhiên phải rất cẩn thận khi ho và hắt hơi. Hoặc tại sao cha mẹ đột nhiên không có tiền để mua bánh kẹo cho mình. Hay tại sao tiệc sinh nhật của trẻ lại bị hủy bỏ. Việc trừng phạt chỉ làm tăng thêm những tổn thương và thất vọng của trẻ.

 

Để vượt qua đợt khủng hoảng này, nhiệm vụ của chúng ta là giúp trẻ em hiểu và học hỏi. Đây là cơ hội để cho trẻ thấy cách chúng ta có thể quản lý sự thất vọng của bản thân. Đây cũng là cơ hội để giúp trẻ tìm hiểu về cảm xúc của mình bằng cách đặt tên cho cảm xúc của trẻ. Khi trẻ nhỏ bắt đầu nhận ra rằng cảm xúc của mình là bình thường và ai cũng có những cảm xúc đó, trẻ có thể bắt đầu học cách điều chỉnh cảm xúc. Cần nhớ rằng điều này cần có thời gian - và trẻ học cách làm điều này từ việc quan sát chúng ta.

 

Sự sợ hãi

 

Trẻ nhỏ có rất ít kinh nghiệm với nhiều sự vật, sự việc xảy ra trong cuộc sống. Trẻ chưa hiểu tiền là gì. Vì vậy, trẻ không biết tại sao cha mẹ đột nhiên vô cùng lo lắng. Trẻ nghe chúng ta nói về nỗi sợ hãi của chúng ta về việc thất nghiệp, sinh hoạt và ăn uống. Trẻ nhận thấy sự lo lắng hiện trên khuôn mặt của chúng ta và nghe thấy điều này qua giọng nói của chúng ta. Trẻ có thể chứng kiến những cuộc tranh cãi hoặc thậm chí là bạo lực của cha mẹ. Trẻ có thể hiểu được ý nghĩa của chúng, vì vậy trẻ trở nên rất sợ hãi.

 

Trẻ nhỏ không hiểu virus hay cái chết là gì. Trẻ chỉ nhìn thấy những hình ảnh đáng sợ trên TV, nghe thấy số người chết và nhìn thấy phản ứng của chúng ta. Trẻ nghe chúng ta nói về việc tránh xa mọi người để không bị nhiễm bệnh hoặc chết. Trẻ thấy nỗi sợ của chúng ta khi chạm vào mọi thứ. Trẻ nghe chúng ta nói rằng dịch bệnh có thể khiến cho mọi người bị ốm và thậm chí là chết. Nếu ai đó tiếp xúc gần với người bệnh thì sẽ chết, trẻ có thể nghĩ rằng người bệnh thì gây ra cái chết.

 

Đây có thể là một thời gian đáng sợ đối với trẻ vì trẻ chưa hiểu về khoa học y tế. Trên thực tế, hầu hết người lớn đều sợ hãi vì chúng ta cũng chưa hiểu.
 

Khi sợ hãi, chúng ta tìm kiếm sự yên tâm đến từ những người mà chúng ta nghĩ là có thể bảo vệ chúng ta. Trẻ cũng làm điều tương tự. Trẻ có thể bám lấy chúng ta và không muốn buông tay. Trẻ có thể không muốn chúng ta rời bỏ trẻ. Trẻ mong chúng ta đem đến cho trẻ sự an toàn.

 

Khi không thể kiểm soát các nguyên nhân gây lo lắng, chúng ta có thể bị ốm, khó ngủ và khó chịu hơn bình thường. Điều này cũng xảy ra với trẻ em. Trẻ có thể bị đau đầu hoặc đau bụng. Trẻ có thể không chịu đi ngủ vì trẻ sợ ở một mình trong bóng tối; cần được ôm nếu thức dậy giữa đêm; gặp ác mộng; hay tè dầm.

 

Trừng phạt, như đánh đòn, thời gian tạm lắng và tịch thu đồ chơi, sẽ làm tăng thêm nỗi sợ hãi của trẻ bởi vì những điều sẽ khiến trẻ sợ chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta cần làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng trẻ cảm thấy an toàn khi ở cùng chúng ta. Chúng ta cần phải là một ngọn hải đăng vững chãi và soi sáng trong cơn bão này. Chúng ta phải duy trì niềm tin của trẻ vào chúng ta bằng cách tạo Ấm áp và Cấu trúc. Chúng ta là những người bảo vệ cho trẻ.
 

Trẻ trong độ tuổi nhi đồng nghĩ và cảm nhận thế nào

 

Trẻ em khi đi học đã xây dựng các mối quan hệ xã hội phức tạp hơn. Trẻ học hỏi cách xây dựng các mối quan hệ bên ngoài gia đình, cách giải quyết xung đột với các bạn đồng trang lứa cũng như khi tình bạn chấm dứt. Trẻ có thể có một vài người bạn thân để chia sẻ những lo lắng, sợ hãi, hy vọng và ước mơ của mình. Trẻ phụ thuộc vào bạn bè, và ngược lại, bạn bè phụ thuộc vào trẻ.

 

Việc giãn cách xã hội một cách đột ngột và khẩn cấp do đại dịch COVID -19 đã phá vỡ nghiêm trọng thế giới của trẻ. Trẻ đã mất liên lạc với những mối quan hệ xã hội rất quan trọng trong cuộc sống của trẻ. Và trẻ đã mất khoảng thời gian đặc biệt mà trẻ dành cho bạn bè, ngoài gia đình.

 

Việc không đến trường học cũng có nghĩa là mất liên lạc với giáo viên. Đối với nhiều trẻ, giáo viên là những người quan trọng trong cuộc sống. Các giáo viên đã tạo ra không gian an toàn cho trẻ nói chuyện, bày tỏ ý tưởng và những “khoảng thời gian tự do” sau giờ học sẽ khiến trẻ rất nhớ.

 

Đối với nhiều đứa trẻ, thiếu đi những điều trên là mất mát rất lớn.


Một số trẻ sẽ thể hiện sự mất mát đó qua nỗi buồn. Đối với vài trẻ, điều này có thể xảy đến ngay lập tức; đối với những trẻ khác, điều này có thể xảy ra chậm trễ hơn. Trẻ có thể khóc thường xuyên hoặc ít tương tác với gia đình. Trẻ có thể dành nhiều thời gian một mình, và chỉ buồn thôi. Trẻ có thể ngủ rất nhiều và khó thức dậy vào buổi sáng. Nỗi buồn đè nặng và xâm chiếm trẻ. Trẻ có thể cảm thấy nặng nề, bứt rứt.

 

Những trẻ khác sẽ thể hiện sự mất mát qua sự tức giận. Trẻ có thể nóng tính và ủ rũ. Trẻ có thể chống đối việc giãn cách xã hội, đi ra ngoài để gặp bạn bè mặc kệ lời khuyên của chúng ta.

 

Tất cả những hành vi này là dấu hiệu cho thấy thế giới của trẻ đột nhiên bị đảo lộn. Trẻ vẫn còn non nớt; và chưa từng trải qua bất cứ điều gì như thế này trước đây. Trẻ không biết khi nào việc này sẽ kết thúc hoặc liệu tình bạn của trẻ có còn khi thời gian giãn cách xã hội kết thúc. Trẻ lo lắng về sức khỏe của bạn bè và giáo viên của mình. Trẻ đang trải nghiệm những mất mát đột ngột, mạnh mẽ và đau đớn. Sự giãn cách xã hội có thể có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển cảm xúc lành mạnh của trẻ.

 

Các hình phạt như tịch thu điện thoại hoặc các đồ có giá trị khác sẽ không có tác dụng. Điều này chỉ khiến trẻ em cảm thấy rằng chúng ta không hiểu những gì trẻ trải qua, vì vậy trẻ sẽ nhớ bạn bè của mình nhiều hơn. Trẻ cần sự kết nối nhiều hơn bất cứ điều gì. Là cha mẹ, chúng ta cần điều chỉnh phản ứng của chính mình và sau đó:

  • Tập trung vào các mục tiêu dài hạn của chúng ta,

  • Đảm bảo rằng nhà là nơi an toàn và luôn hỗ trợ trẻ, và

  • Giải quyết vấn đề cùng với trẻ để tìm cách kết nối phù hợp nhất với bạn bè của trẻ.

Nhiều trẻ em trong độ tuổi đến trường đang trải qua những biến động cảm xúc sâu sắc giống như một cơn bão đang hoành hành bên trong nội tâm trẻ. Nhiệm vụ của chúng ta là cung cấp cho trẻ một bến đỗ an toàn trong cơn bão và hướng dẫn trẻ vượt qua những thời điểm khó khăn này.
 

Trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên nghĩ và cảm nhận thế nào

 

Tình bạn chính là trung tâm trong cuộc sống của trẻ tuổi thanh thiếu niên (tuổi teen). Nhu cầu kết nối xã hội của trẻ ở độ tuổi này rất mãnh liệt. Thế giới của trẻ xoay quanh việc lập các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn với bạn bè của trẻ và chia sẻ niềm vui và nỗi buồn với bạn của mình. Nhiều trẻ tuổi teen cũng đã phát triển niềm đam mê như thể thao, âm nhạc, khoa học hoặc nghệ thuật. Trẻ đang khám phá tài năng, sở thích và bản sắc của mình.

 

COVID-19 đã làm gián đoạn cuộc sống của trẻ thanh thiếu niên mà không hề báo trước. Trẻ bắt buộc phải ở nhà mọi lúc - nhưng phần lớn thế giới của trẻ lại tồn tại ở bên ngoài gia đình. Trẻ mất kết nối với bạn bè, giáo viên, huấn luyện viên và những người truyền cảm hứng cho trẻ. Trẻ không được đến những nơi thường ngày như sân bóng đá, phòng thí nghiệm khoa học, nhạc cụ hoặc họa cụ. Trẻ đã bỏ lỡ những nơi để giao tiếp xã hội, để yêu, để tìm hiểu về bản thân và khám phá những giá trị của bản thân. Đột nhiên, trẻ phải sống trong tình trạng mơ hồ và cô lập, mất đi sự độc lập và riêng tư.

 

Với những trẻ đã đi làm, nhiều bạn mất việc làm do đại dịch. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc tiết kiệm của trẻ cho mục đích đi học, du lịch hoặc những thứ quan trọng khác đối với trẻ - hoặc ảnh hưởng đến việc đóng góp tài chính cho gia đình. Trẻ có thể cảm thấy rằng tương lai của mình bấp bênh, và trẻ có thể không thực hiện được ước mơ của mình.

 

Học sinh đột ngột phải nghỉ học và không kịp chuẩn bị gì kể cả việc nói lời tạm biệt với trường lớp, bạn bè. Đối với lứa học sinh cuối cấp, sắp tốt nghiệp, những sự kiện quan trọng, lễ kỉ niệm mà các em đã mong đợi trong nhiều năm bị trì hoãn, huỷ bỏ.

 

Đối với trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên, những tình huống như thế này sẽ tạo ra biến động cảm xúc. Trẻ có thể đau buồn với những mất mát to lớn này, cảm thấy thất vọng vì thiếu sự riêng tư hoặc không chấp nhận những kiểm soát bất ngờ áp đặt lên mình. Trẻ có thể bực bội khi nhà bỗng dưng biến thành trường học tạm thời và cha mẹ lại trở thành giáo viên thay thế. Trẻ có thể đáp ứng nhu cầu kết nối bằng cách dành nhiều giờ mỗi ngày cho phương tiện truyền thông xã hội. Tất cả những điều này có thể dẫn đến sự kháng cự, tức giận và xung đột.


Việc trẻ tuổi teen cảm thấy bất khả xâm phạm, như không hề có gì xấu có thể xảy ra với trẻ là điều thường xảy ra. Điều này là do phần não đánh giá rủi ro chưa được phát triển đầy đủ. Nhiều trẻ ở tuổi này không hoàn toàn hiểu rằng mình có thể bị nhiễm bệnh - hoặc mình có thể lây bệnh cho người khác. Trẻ vẫn có thể cố gắng đáp ứng những nhu cầu kết nối xã hội bằng cách vẫn gặp gỡ bạn bè hoặc bỏ ngoài tai lời khuyên giãn cách xã hội.

Đây không phải là hành vi xấu hay ích kỷ. Đó là sự kết hợp của nhu cầu tự lập rất mạnh mẽ và chưa có khả năng hiểu đầy đủ các rủi ro.

 

Cha mẹ có thể cảm thấy cần phải trừng phạt bằng cách đánh, cấm đoán hoặc áp đặt “hậu quả” như việc tịch thu đồ vật. Nhưng hình phạt không hề có tác dụng mà thậm chí còn làm cho mọi thứ tồi tệ hơn. Khi trẻ bị trừng phạt, trẻ cảm thấy bị hiểu lầm, bị đánh giá sai và bị kiểm soát. Điều này tạo ra cảm xúc phẫn nộ, giận dữ, chống lại, thậm chí trẻ có hành vi gây hấn với cha mẹ và ngày càng làm tăng xung đột.

 

Đây là thời gian thử thách cho cả gia đình và mọi người đều đang cố gắng điều chỉnh. Khi bạn thấy mình phản ứng với trẻ, trước tiên hãy cố gắng hiểu tình huống từ quan điểm của trẻ nếu không, chúng ta rất dễ bị cuốn vào những cuộc tranh cãi và tranh giành quyền lực đối với những thứ thực sự không quan trọng. Điều quan trọng hơn cả chính là việc chúng ta nên tập trung bảo vệ mối quan hệ của bạn với con mình để đảm bảo rằng mối quan hệ này vẫn còn nguyên vẹn vượt qua thời đoạn căng thẳng này.

 

Cách chúng ta tương tác với con cái vào thời điểm căng thẳng gia tăng này có thể tác động đến suy nghĩ và các mối quan hệ của chúng ta suốt cuộc đời. Nếu chúng ta tập trung vào các mục tiêu dài hạn, xây dựng dựa trên những lợi thế của trẻ, quản lý cảm xúc của chính mình và tạo Ấm áp và Cấu trúc, chúng ta có thể giúp trẻ tuổi teen tìm ra giải pháp cho các vấn đề mà trẻ gặp phải hiện nay. Đồng thời, chúng ta sẽ xây dựng năng lực và củng cố các mối quan hệ của chúng ta với trẻ trong tương lai.

bottom of page