top of page

​GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

© Positive Discipline in Everyday Life 2020

problem-solving-1922808-1625127.webp

Trong Kỷ luật Tích cực trong Thực hành làm Cha mẹ Hàng ngày (PDEP), chúng ta coi xung đột là một vấn đề cần giải quyết. Thay vì trừng phạt, chúng ta tổng hợp các cấu phần của mô hình PDEP để suy nghĩ cách giải quyết vấn đề.

Đầu tiên – Tự điều chỉnh. Dù là việc xây dựng một ngôi nhà hay nuôi dạy con cái, để giải quyết bất kỳ vấn đề nào, chúng ta cần bắt đầu với một tâm trí bình tĩnh. Thật khó để tìm ra giải pháp khi chúng ta đang buồn bã, tức giận hoặc thất vọng. Vì vậy, bước đầu tiên trong việc giải quyết vấn đề như xung đột với trẻ là tự điều chỉnh. Là người lớn, trước hết, chúng ta cần làm dịu cảm xúc và cơ thể của mình để tâm trí của chúng ta có thể suy nghĩ trước khi tiếp cận vấn đề với trẻ.

 

Ban đầu, điều này không dễ thực hiện. Chúng ta cần luyện tập. Chúng ta có thể liên hệ những cảm giác căng thẳng với hình ảnh đèn giao thông. Cảm giác căng thẳng trong cơ thể, hơi thở nông, nhịp tim nhanh và cơn tức giận giống như đèn vàng - một tín hiệu để chúng ta chậm lại, hít thở sâu và thư giãn cơ thể trước khi tiếp tục.

Tiếp theo – Cùng điều chỉnh. Sau khi đã tự điều chỉnh, chúng ta có thể giúp trẻ cùng điều chỉnh. Khi cả hai ở trạng thái bình tĩnh hơn, chúng ta có thể cùng nhau nghĩ nên làm gì.

Sau đó – Tập trung vào các mục tiêu dài hạn. Trong PDEP, chúng ta được dẫn đường bởi các mục tiêu dài hạn. Chuyển sự tập trung của chúng ta từ xung đột trước mắt sang tầm nhìn dài hạn sẽ kéo chúng ta ra khỏi cuộc đấu tranh quyền lực giữa cha mẹ và con cái. Những mục tiêu dài hạn nhắc nhở về những gì chúng ta đang cố gắng hoàn thành với tư cách là cha mẹ và những gì chúng ta muốn làm mẫu cho con cái. Ví dụ, chúng ta có thể muốn con cái quản lý căng thẳng tốt và trở thành người giải quyết vấn đề tốt mà không làm tổn thương người khác. Việc giữ tầm nhìn đó trong tâm trí sẽ giúp định hướng các phản ứng của chúng ta.

Tiếp đến – tạo Ấm áp và Cấu trúc để cùng nhau giải quyết vấn đề. Khi chúng ta hiểu được quan điểm của trẻ, chúng ta có thể tìm cách tạo Ấm áp và Cấu trúc theo cách phù hợp với mức độ hiểu biết của trẻ. Chúng ta cần đảm bảo rằng con mình cảm thấy an toàn, không sợ hãi, để trẻ có thể học hỏi. Đây là “Ấm áp”. Và khi chúng ta nghĩ về cách giúp trẻ tạo giàn giáo cho quá trình học hỏi của trẻ. Chúng ta cung cấp thông tin và giải thích rõ ràng theo cách mà trẻ sẽ hiểu và nhờ đó sẽ giúp trẻ thành công trong lần tới. Đây là “Cấu trúc”.

 

Khi trẻ lớn hơn, trẻ có thể giải quyết vấn đề cùng chúng ta. Khi chúng ta cùng nhau trải qua quá trình này trong nhiều năm, trẻ sẽ học cách tự điều chỉnh, suy nghĩ về các mục tiêu dài hạn của mình, suy nghĩ về những gì trẻ nghĩ và cảm nhận, và tìm cách giải quyết vấn đề mà không làm tổn thương người khác.

 

Hãy nhớ. Mỗi xung đột đều khác biệt và mỗi đứa trẻ cũng vậy. Nhưng xung đột nào cũng có thể được giải quyết bằng cách sử dụng cách tiếp cận này - bởi vì cách tiếp cận này giúp chúng ta tập trung tâm trí vào những gì chúng ta muốn làm mẫu cho con.


Và thực hành. Bạn có thể thực hành giải quyết vấn đề ở mọi lứa tuổi với các ví dụ trong Sách Kỷ luật Tích Cực dành cho Cha mẹ.

bottom of page